Với việc nghiên cứu thành công tấm nền OLED dựa trên công nghệ graphene, tương lai của màn hình OLED uốn cong ngày càng trở nên gần hơn.
Viện Nghiên cứu Điện tử Viễn thông (ETRI) của Hàn Quốc đã có một bước đột phá trong công nghệ màn hình hiển thị OLED. Trước đây, ETRI đã hợp tác nghiên cứu với Samsung Techwin cho đến tháng 12 năm 2014 và hiện tại là Hanwha Techwin. Và bây giờ, ETRI đã chế tạo thành công màn hình OLED với các điện cực trong suốt được làm từ vật liệu Graphene.
Nhóm nghiên cứu đã thay thế Indium Tin Oxide (ITO) bằng graphene để làm cho các điện cực trong suốt trong tấm nền OLED. ITO rất mỏng manh, trong khi graphene là một vật liệu rất mỏng, có thể uốn cong với độ bền cao.
Màn hình được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu có kích thước 370 mm x 470 mm và sử dụng điện cực graphene mỏng hơn 5 nanomet. Họ đã nghiên cứu và phát triển nó trong bốn năm qua và nó thực sự là tấm nền lớn nhất của công nghệ này trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu công nghệ graphene trên tấm nền OLED.
Cho Nam Sung, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của ETRI cho biết, việc thương mại hoá các sản phẩm tấm nền OLED có khả năng uốn cong có thể tiến triển nhờ vào loại vật liệu mới này. Mặc dù ông không đề cập chính xác sự ra mắt của nó nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi một sự đột phá.
Nhu cầu về màn hình OLED ngày càng gia tăng đáng kể. Mới đây, Apple đã đặt hàng 70 triệu màn hình OLED có thể uốn cong từ Samsung để sử dụng trên iPhone 8. Sự hợp tác giữa Samsung và Hanwha Techwin hứa hẹn sẽ sớm đưa công nghệ dựa trên graphene vào sản xuất.
Ngoài ra, Google đang đề nghị đầu tư ít nhất 1 nghìn tỷ won (khoảng 880 triệu USD) vào bộ phận sản xuất màn hình của LG nhằm tăng năng suất màn hình OLED có thể uốn cong. Lý do của việc này là Google muốn đảm bảo nguồn cung cấp ổn định màn hình cho sản phẩm Pixel sắp tới của mình.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một tương lai mới cho màn hình hiển thị dựa trên công nghệ graphene.
Tham khảo Android Authority
Nguồn Genk.vn